Trong 3 tháng đầu năm, tính từ 15/1 đến 15/3, ngôi làng có 80 người tự tử chỉ trong 3 tháng. Hộ dân nào cũng ít nhất có 1 người tự tử.
Cá biệt trong ngôi làng có 80 người tự tử chỉ trong 3 tháng, nhiều gia đình cứ vài năm lại tiễn một thành viên tự kết liễu cuộc sống của chính mình.
Badi nằm ở miền Trung Ấn Độ, thuộc bang Madhya Pradesh. Ngôi làng này có 320 hộ dân, tổng cộng hơn 2.500 người, bằng dân số một thị trấn, nhưng nó vẫn được gọi là làng vì những đặc trưng không thể xóa bỏ từ xa xưa.
Người làng Badi lưu giữ nhiều tập tục khá cổ điển, từ trang điểm, ăn mặc cho đến những thói quen trong lễ bái. Vì thế, trong nỗ lực vận động để nâng cấp ngôi làng vào thị trấn, chính quyền Ấn Độ đã không thể thuyết phục được những vị cao niên cốt cán. Cuối cùng, họ đành chấp nhận Badi vẫn là làng.
Badi từ thế kỷ 18 đã được coi là một trong những địa điểm cung cấp hoa quả lớn cho miền Trung Ấn Độ, khi đất đai của họ khá trù phú và rộng rãi. Mang tiếng là làng, nhưng Badi rộng không khác gì thị trấn. Nếu ở những nước có diện tích nhỏ, Badi còn lớn ngang một thành phố.
Theo con số thống kê, gần hai thập kỷ qua, Badi có gần 400 người chết vì tự tử, không kể hàng trăm người khác tử vong trong bệnh viện vì nguyên nhân có liên quan.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của tổ chức tang lễ riêng của làng Badi mới đây mới khiến tất cả lạnh gáy: Trong 3 tháng đầu năm, tính từ 15/1 đến 15/3, nghĩa địa làng tăng thêm 80 nấm mồ. Tất cả đều do tự tử. Tất nhiên, cũng như hai thập kỷ qua, người ta không liệt kê những trường hợp chết trong bệnh viện!
Con số này vô cùng đáng báo động khi tỷ lệ sinh nở ở Badi tính từ tháng 1 đến hết tháng 4 vừa rồi chỉ là 39 em bé. Người ta đang lo ngại rằng, nếu không tìm ra nguyên nhân và có giải pháp kịp thời, thì số nhân khẩu hơn 2.500 người ở Badi sẽ tiêu hao không thể lường nổi.
Điều đáng ngại là những người tự vẫn thường đang trong tuổi lao động trụ cột, 2/3 số này thuộc lao động chính, có vợ con. Phần còn lại là những thanh niên tuổi từ 17-24 “tự dưng” thấy cuộc đời bế tắc và người ta hiếm khi ghi nhận trường hợp nào trên 60 mà tự vẫn.
“Đấy là điều đau đớn nhất ở Badi. Các gia đình lâm vào khó khăn cùng cực khi mất đi những lao động chính. Con mất cha, vợ mất chồng hoặc chồng mất vợ. Chuyện này cần phải được giải quyết…”, Vishal Pratha – tiến sỹ chuyên nghiên cứu về văn hóa cổ điển Ấn Độ chia sẻ.
Lời lý giải bế tắc: Bị “ma” ám!
Badi nổi tiếng với ngôi đền Hilaanj và mỗi khi có một linh hồn phải từ giã cõi đời, người ta lại mang vật tế lễ ra đó cầu mong phước lành sẽ đến. Những vị cao niên ở Badi cho rằng, ngôi làng đang bị ma ám và “con ma” càng ngày càng to khiến lượng người nó bắt càng đông.
Lý giải này không được các nhà nghiên cứu khoa học Ấn Độ đồng tình, nhưng ở Badi, người dân vẫn tin vào điều đó như một lẽ tự nhiên. Hàng ngày, người ta vẫn là Hilaanj cầu nguyện, đặt lễ vật vào buổi tối với vẻ thành kính. Nhà nào có người chết thì kéo cả ra đó sám hối, cầu nguyện nhưng tuyệt nhiên không than vãn. Họ cho rằng, thần linh đang nổi giận và khi chưa tìm được nguyên nhân ngài giận thì chỉ có thể là… ma ám.
Kiran Bedi, người đàn bà ngót 70 tuổi cho biết, trong số những trường hợp tự tử từ đầu năm, có rất nhiều câu chuyện kỳ quái và rùng rợn. Vì thế, người làng Badi chưa tìm ra lý giải nào thỏa đáng cho những cái chết.
Padha, một phụ nữ mới 34 tuổi nhưng có khuôn mặt khắc khổ như người ngoài ngũ tuần thất thần kể lại cái chết của chồng cô, anh Anwar. Anwar vốn là lao động chính, không nghiện ngập bia rượu hay mắc bệnh tật gì từ trước đến nay.
Nhưng một ngày cuối tháng 2, Anwar đi làm về và mang theo một chiếc rìu bổ củi. Đêm đó, Anwar không ngủ với vợ con mà nằm trên cái sập tre ngoài hiên nhà. Nửa đêm, Padha nghe tiếng rú thất thanh, sau đó là tiếng nấc rồi im bặt. Chị vội bò ra khỏi màn, mở cửa thì thấy Anwar đã gục trên vũng máu. Chiếc rìu trên tay trong tư thế tự phập vào cổ mình.
“Mọi chuyện không thể hiểu nổi, Anwar trước đây chưa từng kêu ca bất cứ việc gì. Anh ấy chỉ ít nói…”, Padha kể lại.
Một cái chết “nổi tiếng” khác: Kandy – 37 tuổi, người cung cấp rau quả và càri được cho là lớn nhất làng Badi, được phát hiện cùng vợ treo cổ tự tử trên xà nhà hôm 18/1. Anh này để lại 3 đứa con thơ, mẹ già và gia tài tương đối khá giả (so với làng Badi).
Người ta không thể hiểu vì sao vợ chồng Kandy tự vẫn cả đôi, khi gia đình anh đang làm ăn tốt, 3 đứa con thơ xinh xắn và chưa từng có điều tiếng gì với xóm giềng.
Nhưng khó hiểu nhất vẫn là trường hợp của trưởng làng Badi hiện nay, Sisodiya. Sisodiya bị “ấn” vào ghế trưởng làng bất đắc dĩ khi cháu ruột ông, Jeevan – trưởng làng cũ treo cổ tự tử đầu tháng Tư vừa rồi. Điều ngạc nhiên là anh này cũng giống Kandy, gia đình êm ấm khá giả và không có lý do gì để kết liễu đời mình.
Ông Sisodiya (54 tuổi) làm trưởng làng mới của Badi sau ngày Jeevan chết 3 hôm, nhưng trong thâm tâm, ông cũng bị ám ảnh bởi những vụ treo cổ. Ngoài đứa cháu Jeevan, chính mẹ đẻ và em trai của ông Sisodiya cũng đều đã tự tước đi mạng sống của chính mình lần lượt vào các năm 2013 và 2015.
Còn rất nhiều cái chết oan gia khác mà người đã khuất không để lại bất cứ lời trăng trối nào ngoài quyết định ra đi đột ngột. Vì thế, việc giải thích hoặc tìm nguyên nhân đang thách thức các nhà nghiên cứu Ấn Độ!
Nguyên nhân từ sự… chăm chỉ?
Sau tháng ba vừa rồi, cơ quan chức năng bang Madhya Pradesh cử đoàn công tác xuống Badi làm việc trong 2 tuần với hy vọng, họ sẽ tìm được cái gì đó để lý giải cho những vụ tự tử. Đi theo đoàn có bác sỹ tâm thần học Srikanth Reddy. Ông này cho rằng, phải có lý do nào đó tác động mạnh thì một người bình thường mới tự tước đi cơ hội sống của chính mình.
Thật bất ngờ khi Reddy và đoàn công tác truy ra nguyên nhân được coi là lớn nhất ở Badi khiến nơi đây là địa danh của những vụ tự tử chỉ sau 3 ngày làm việc: Thuốc trừ sâu!
Không phải người làng Badi uống thứ dịch chết người ấy, mà chính vì sự chăm chỉ của họ. Badi là làng làm nông nghiệp nên mỗi gia đình Badi được phân khá nhiều ruộng vườn. Họ chăm sóc cây cối bằng thuốc sâu và điều đó ảnh hưởng đến tinh thần nghiêm trọng.
“Thuốc sâu khi dùng quá liều, quá thường xuyên sẽ khiến tinh thần người nông dân tiếp xúc với chúng bị ảnh hưởng nặng. Trong đó, chứng trầm cảm là phổ biến nhất. Trầm cảm không có biểu hiện đặc trưng nên rất khó phán đoán. Người mắc chứng này thường có hành động ngoài ý muốn khi mất đi sự tự chủ…”, bác sỹ Srikanth Reddy lý giải.
Theo vị bác sỹ này, những nông dân làng Bali không thể đủ tư liệu và kinh nghiệm để lý giải trầm cảm là gì? Vì thế, họ suy đoán theo kinh nghiệm và giải thích theo sự kỳ bí mà dễ nhất là… ma ám.
Để chứng minh cho lập luận của mình, Reddy dẫn chứng, khoảng chục năm trước, một vùng nông thôn phía Bắc Trung Quốc cũng có khá nhiều người tự tử khi tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu có thành phần Organophosphat – độc tố dẫn đến trầm cảm nghiêm trọng. Người mắc phải sẽ không kiểm soát được hành vi, nhưng đặc điểm dễ nhận thấy nhất của chất này là nó khiến người nhiễm thường cảm thấy… muốn chết!
Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống
Xem thêm:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét