Những sân chơi hoàn toàn miễn phí, ngay gần nhà, có các đồ chơi ngộ nghĩnh, đáng yêu, làm bằng nguyên liệu tái chế đã qua xử lý rất an toàn... Đó chính là giấc mơ đẹp mà Think Playgrounds đã mang đến cho hàng nghìn em nhỏ.
"Người ta cứ nghĩ, trẻ em thành phố sướng hơn ở vùng ngoại ô nhưng tôi nghĩ thực ra các em cũng có rất nhiều thiệt thòi. Thiệt vì đang tuổi ăn, tuổi chơi mà lại không được vận động, phát triển thể chất. Thiệt vì cuộc sống của các em luôn luôn bị những bức tường cao bao phủ", phóng viên Nguyễn Tiêu Quốc Đạt (hiện đang làm việc cho một Tạp chí ở Hà Nội, thành viên sáng lập ra tổ chức Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong Thành phố) tâm sự.
Clip sân chơi miễn phí do nhóm Think Playgrounds thực hiện - (Thực hiện: Thế Anh).
Tại một Thành phố lớn như Hà Nội, trẻ em không phải không có chỗ chơi. Thế nhưng hầu như tất cả các nơi ấy đều phải trả phí, hoặc nếu muốn đi công viên, các em lại phải chờ bố mẹ đưa đi... mà người lớn không phải lúc nào cũng rảnh rỗi.
Nhu cầu được chơi các trò vận động của trẻ em là rất lớn.
Các em nhỏ luôn muốn được chơi. Các em hiếu động và nhu cầu vận động, khám phá sức lực của bản thân là rất lớn.
Sân chơi Phương Liệt nằm ở ngõ 208 đường Giải Phóng, một dự án gần đây nhất của nhóm Think Playgrounds.
Toàn bộ sân chơi này được hoàn thành trong vòng 4 ngày. Nguyên liệu chủ yếu là gỗ và... lốp xe.
Ngoài ra, tại Hà Nội, tổ chức này cũng thực hiện rất nhiều sân chơi khác. Trong ảnh là một em nhỏ thích thú chơi đùa ở sân chơi gần bến xe Lương Yên.
"Tuy nhiên tôi thấy rất buồn là các em nhỏ thành phố thường có kỹ năng vận động rất kém", anh Đạt nói thêm. Theo anh, việc thiếu sân chơi chính là nguyên nhân khiến các em nhỏ lao vào những trò chơi điện tử tốn tiền và hại sức khỏe. Bên cạnh đó, việc ít có cơ hội vận động sẽ khiến các em phải đối mặt với nguy cơ béo phì cao hơn.
Xây dựng sân chơi miễn phí bằng đồ tái chế
Đồ chơi do Think Playgrounds lắp đặt thường rất đơn giản nhưng điều quan trọng là họ tạo ra một không gian để trẻ em tự do vui đùa.
Những chiếc xích đu dù chỉ làm bằng dây thừng và cọc tre cũng khiến các em rất thích thú.
Chính vì lý do đó, anh Đạt cùng nữ kỹ sư Chu Kim Đức đã sáng lập ra tổ chức Think Playgrounds. Mục đích của họ là xây dựng những sân chơi hoàn toàn miễn phí cho trẻ, dựa vào sự đóng góp, hỗ trợ từ cộng đồng. Các sân chơi này sẽ được xây dựng ngay tại các khu tập thể, khu dân cư đông đúc hay trường học, nhà văn hóa...
"Miễn sao là sân chơi phải thật gần với các em nhỏ, để các em chỉ cần ra khỏi nhà là có chỗ chơi, không cần phải chờ đến lúc bố mẹ đưa đi. Ngược lại, cha mẹ cũng có thể yên tâm khi con mình có một chỗ vui chơi an toàn, dễ kiểm soát", chị Đức nói.
Chị Đức cho biết, ý tưởng ban đầu về việc làm này là do một phụ nữ người Mỹ nghĩ ra khi đến thăm Việt Nam. Bà tha thiết muốn xây dựng sân chơi miễn phí nhưng không đủ điều kiện. Thấy vậy, chị Đức và anh Đạt đã đứng ra thực hiện ý muốn này.
"Chúng tôi bắt đầu với dự án sân chơi ở bãi giữa sông Hồng. Lúc đó chỉ có mình tôi và anh Đạt tự tay làm tất cả mọi thứ, còn tiền thì do người phụ nữ Mỹ hỗ trợ một phần", chị Đức nói.
Sau dự án ở bãi giữa, cái tên Think Playgrounds được nhiều người biết đến hơn. Cũng từ đó, chị Đức và anh Đạt dần thoát khỏi cái gọi là thực hiện ước muốn của một người nước ngoài. Thay vào đó, họ tự mình đi một con đường riêng khi mà trong đầu đã ấp ủ dự định làm ra hàng loạt sân chơi mới.
Ngay từ lúc còn đang xây dựng dở, nhưng dự án này đã khiến các em tỏ ra rất háo hức.
Think Playgrounds là một tổ chức phi chính phủ rất đặc biệt. Họ không chỉ xây sân chơi miễn phí cho trẻ mà một điều khác lạ hơn đó là tất cả các đồ chơi hầu hết đều được làm từ các nguyên liệu tái chế như sắt, thép vụn hay lốp xe.
"Đó là một ý tưởng bảo vệ môi trường mà nhiều nước trên thế giới đã làm thành công. Chúng tôi vận dụng và ngày càng làm cho các đồ chơi trở nên hấp dẫn, khác lạ hơn khiến các em nhỏ rất thích thú", anh Đạt chia sẻ.
Lao động để kiếm tiền xây sân chơi
Khởi động từ con số 0 khi chỉ có 2 người chung tay, đến nay, Think Playgrounds đã thu hút hơn 10 bạn trẻ tham gia thường xuyên. Hầu hết họ đều là sinh viên khối ngành kiến trúc, xây dựng hoặc các kỹ sư đang công tác tại Hà Nội.
Bắt đầu hoạt động được gần 2 năm, tổ chức này đã xây dựng thành công tổng cộng 23 sân chơi miễn phí tại Hà Nội và các tỉnh khác như Hòa Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, đảo Cù Lao Chàm... Bên cạnh đó, Think Playgrounds còn thường xuyên tổ chức các hoạt động play days (ngày vui chơi), các sân chơi di động ở phố Cổ để đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi của trẻ nhỏ và thực hiện việc tuyên truyền, lan tỏa sức ảnh hưởng tới cộng đồng.
Anh Đạt và chị Đức, hai thành viên đồng sáng lập ra tổ chức.
Trước đây, tổ chức này hoạt động hoàn toàn dựa vào tấm lòng của các doanh nghiệp và những nhà hảo tâm. Tuy nhiên, gần đây, họ chuyển hướng sang hoạt động giống như một doanh nghiệp xã hội nhiều hơn. "Bên cạnh việc quyên góp, nhóm có một xưởng sản xuất đồ chơi riêng và có nhiều đơn đặt hàng. Chúng tôi bán các sản phẩm đó rồi lấy tiền để xây sân chơi miễn phí", chị Đức cho biết.
Nói về việc này, anh Đạt tỏ ra rất tự tin. Anh cho biết, "đội" của mình đã làm ra những sản phẩm khiến bạn bè quốc tế cũng phải thán phục. "Gần đây chúng tôi có chia sẻ bức ảnh về chiếc bập bênh bằng gỗ rất độc đáo lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời khen của bạn bè nước ngoài. Bức ảnh có tới cả triệu lượt xem. Nhiều người nói với tôi là sản phẩm của Think Playgrounds đem đến cho họ những cảm hứng mới vì chúng rất độc đáo, sáng tạo".
Mỗi sân chơi đều có gắn bảng nội quy riêng.
Các món đồ chơi nhìn ngộ nghĩnh này được chế tạo khá kỳ công vì nguyên liệu của chúng đều là các vật dụng tưởng như chỉ có nước bỏ đi. Điều này đòi hỏi các kỹ sư phải sáng tạo rất nhiều. Ảnh: Thu Hường.
Các thành viên trong nhóm Think Playgrounds.
Anh Đạt cho biết, Think Playgrounds cũng đã làm được rất nhiều điều thú vị. Chẳng hạn như xây dựng "công viên lốp" Yên Sở - công viên lốp quy mô ở khu vực Đông Nam Á hay đơn giản là chuyện làm ra những đồ chơi "độc" như ô tô bằng gỗ, thú cưỡi bằng lốp xe...
"Đối với tôi, công việc này đem lại rất nhiều niềm vui. Tôi từng mở công ty riêng và làm rất nhiều việc nhưng chỉ thấy vui khi làm ra sân chơi miễn phí cho trẻ. Nó không chỉ thỏa sức sáng tạo của tôi mà còn giúp đỡ được rất nhiều em nhỏ phát triển thể chất, tinh thần hoàn thiện hơn", chị Đức tâm sự.
Trong khi đó, anh Đạt lại cho biết: "Từ ngày tôi tham gia vào tổ chức này, rất nhiều nười hỏi tôi sao lại đi làm như thế, đi làm vậy có được tiền mang về không. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Đối với tôi, công việc này đem lại những món quà vô giá và ý nghĩa hơn rất nhiều giá trị vật chất mà người ta thường nghĩ tới".
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét